Tăng cường cơ hội sinh viên trải nghiệm công nghệ robot mới và kỹ năng để hội nhập quốc tế
Bắt đầu
End
Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay. Với mục tiêu hướng tới chất lượng quốc tế, Trường Đại học Công nghệ luôn hợp tác,nhận được sự hỗ trợ về chương trình đào tạo, giảng dạy từ Trường Đại học Công nghệ Chiba (Nhật Bản) nói riêng và nhiều đối tác quốc tế nói chung đối với ngành Kỹ thuật robot, cũng như nhiều chương trình đào tạo khác của Nhà trường.
Gắn kết tình cảm thầy – trò quốc tế
Mô hình gắn kết giữa Trường ĐHCN và Trường ĐH Chiba được Bộ Giáo dục và Khoa học công nghệ Nhật Bản công nhận là một trong 12 dự án có mô hình hợp tác hiệu quả, đồng thời chương trình này góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Nhật Bản. Sau 06 năm thực hiện các chương trình trao đổi và 02 năm tổ chức các khóa học giảng dạy bởi chính các giáo sư Nhật Bản đến từ Trường ĐH Chiba, chương trình này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía sinh viên về phương pháp giảng dạy lẫn việc trải nghiệm những kiến thức học tập trong thực tế. “Khóa học rất vui vì giúp ích nhiều cho chuyên ngành em đang học tập, nghiên cứu. Sau khi học xong em có thể áp dụng những kiến thức trong khóa học vào dự án nhỏ của nhóm làm về nhện robot. Đây là lần thứ hai em được tham gia khóa học do các giảng viên Nhật Bản giảng dạy, nhưng đối với lần nào em cũng cảm thấy háo hức. Bởi vì, mỗi lần học chúng em được học những kiến thức khác nhau. Lần này là được tìm hiểu về kiến thức Toán học trong chế tạo robot. Bình thường môn Toán là môn học khô khan, cứng nhắc nhưng được tham gia vào khóa học do giáo sư Nhật Bản giảng dạy, thì em thấy những kiến thức này hoàn toàn giúp ích nhiều trong thực tế. Thầy giáo vui tính, mỗi giờ lên lớp đều tạo cảm hứng học tập cho bọn em. Mặc dù, trong giờ giảng đều sử dụng tiếng Anh chuyên môn, nhưng vì được tiếp xúc với những kiến thức chuyên ngành từ rất sớm nên bọn em đều có thể hiểu. Qua những hoạt động này, em mong muốn Nhà trường tổ chức thêm được nhiều khóa học với giảng viên nước ngoài hơn nữa” – bạn Hoàng Quốc Anh, sinh viên năm thứ hai ngành Kỹ thuật robot (Khoa Điện tử viễn thông) chia sẻ.
GS. Ken Tomiyama giao lưu với sinh viên tại “Hội thảo quốc tế về nghiên cứu robot tại Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản và Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN”
Không chỉ riêng Quốc Anh, mà rất nhiều tân sinh viên bày tỏ niềm thích thú và các kiến thức mới trong lĩnh vực robot đã thúc đẩy sinh viên khám phá, tìm tòi trong học tập. Em Đinh Thị Thanh Huyền, sinh viên năm thứ nhất cho biết: “Em thấy các thầy/cô giáo nước ngoài có tác phong rất chuyên nghiệp, luôn luôn đúng giờ và đặc biệt là chúng em được tiếp cận phương pháp giảng dạy mới. Mặc dù,chúng em còn gặp khó khăn trong việc hiểu một số từ chuyên ngành, nhưng điều đó giúp cho bọn em chủ động học hỏi thêm từ thầy/cô, bạn bè cùng trợ giảng hoặc tự tìm kiếm. Trong quá trình giảng dạy, các thầy luôn tận tình, trách nhiệm đối với bài giảng và mức độ hiểu biết của sinh viên. Thầy rất thân thiện với sinh viên và luôn lắng nghe, tương tác với sinh viên bằng những câu hỏi về môn học. Điều đó giúp bọn em gần gũi với thầy nhiều hơn. Mỗi giờ học trên giảng đường em thấy thật sự thú vị và tạo cho em thêm động lực để tìm hiểu về ngành nghề. Ban đầu, em chỉ biết sơ qua về ngành Kỹ thuật robot, nhưng sau khóa học và quá trình tự học em được hiểu thêm về toán ứng dụng trong công nghệ chế tạo robot. Em hi vọng Nhà trường sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để chúng em được trau dồi kiến thức, kỹ năng thực hành, thực tập hơn nữa”.
GS. Ken Tomiyama giảng dạy về Toán trong lĩnh vực công nghệ
Sinh viên Trường ĐHCN đã bắt đầu quen thuộc và yêu thích những giờ giảng do giảng viên nước ngoài phụ trách, đồng thời được tiếp xúc với môi trường quốc tế qua những hoạt động vào đầu năm học mới, gồm trải nghiệm chế tạo robot tại Trường ĐH Chiba, trao đổi sinh viên, hội thảo nghiên cứu robot…Chia sẻ về kế hoạch giảng dạy trong thời gian tới của các giáo sư Nhật Bản tại Trường ĐHCN, TS. Đinh Triều Dương cho biết, “Hiện nay, công tác giảng dạy của các giảng viên Nhật Bản phụ thuộc vào các kế hoạch năm học của Trường ĐH Công nghệ Chiba và Trường ĐHCN. Bởi vậy, việc tổ chức thời gian giảng dạy của các giáo sư Nhật Bản sẽ thay đổi tùy theo từng năm học. Vì vậy, dựa trên kế hoạch của các giáo sư và kế hoạch năm học của Nhà trường cùng với sự hiệu quả trong hợp tác về chuyên môn, đào tạo và nghiên cứu thì kế hoạch giảng dạy của các giáo sư trong những năm học tiếp theo vẫn như năm học 2019-2020”.
Trải nghiệm phương pháp đào tạo robot Nhật Bản
Để bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa và nền giáo dục hiện đại Nhà trường đã đầu tư nguồn nhân lực, vật lực tiêu chuẩn quốc tế vào từng chương trình đào tạo nói chung và ngành Kỹ thuật robot nói riêng, nhằm giúp sinh viên được tiếp cận đa chiều và linh động hơn trong việc tích lũy kiến thức.Sinh viên có cơ hội được học tập trong những môi trường mở dưới sự hướng dẫn của các giảng viên tại trường ĐHCN và giảng viên nước ngoài.Chia sẻ về việc hợp tác giữa Trường ĐHCN và Trường ĐH Chiba, TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông cho biết: “Việc trao đổi hợp tác này có ý nghĩa nhiều trong công tác học tập và nghiên cứu của sinh viên, đặc biệt là đối với các sinh viên được học một ngành có tính đặc thù cao như ngành Kỹ thuật Robot. Sinh viên có cơ hội được nghe bài giảng trên lớp của các giáo sư Nhật Bản nhiều kinh nghiệm giảng dạy, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu liên quan. Điều này sinh viên được học hỏi và tiếp thu các kiến thức chuyên môn sâu từ các giáo sư. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, các giáo sư cũng chia sẻ các thông tin về đất nước con người Nhật Bản nói chung và Trường ĐH Chiba nói riêng, các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu và thế mạnh tại Trường ĐH Chiba. Điều này giúp ích nhiều cho việc mở rộng sự hiểu biết của sinh viên với thế giới bên ngoài, góp phần định hướng và tạo sự tự tin cho sinh viên trong cac mối quan hệ hợp tác quốc tế cũng như định hướng học tập và nghiên cứu tại nước ngoài trong tương lai.Ngoài kiến thức chuyên môn thì việc được giảng dạy bởi giáo sư nước ngoài cũng là một cơ hội tốt để sinh viên luyện tập, nâng cao khả năng giao tiếp và trình bày bằng tiếng Anh. Với việc sinh viên trên lớp phải tư duy, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình bằng tiếng Anh với giáo sư, giáo sư là người nước ngoài nên tạo môi trường tự nhiên và cởi mở hơn cho các sinh viên được luyện tập và phát triển các kỹ năng ngoại ngữ. Sinh viên cũng nắm được các thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Anh hiệu quả hơn”.
Với kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường đại học tại Nhật Bản về lĩnh vực robot, GS. Ken Tomiyama cho biết: “Lần thứ hai tôi sang giảng dạy cho sinh viên Trường ĐHCN với nội dung về Toán học, nhưng không chỉ đơn thuần là Toán mà tôi dạy Toán như là một công cụ tự nhiên để kỹ sư robot ứng dụng trong nghiên cứu robot. Chúng ta không thể nói về robot mà thiếu Toán. Vì vậy, tôi luôn nhắc lại và nhấn mạnh nhiều lần với sinh viên rằng Toán học là công cụ hữu ích trong nghiên cứu robot, tôi hy vọng họ hiểu rõ tầm quan trọng của Toán học để ứng dụng trong nghiên cứu robot”.
GS Kiko Kikuchi giảng dạy về Động học và động lực học đối với sinh viên năm thứ 2 ngành Kỹ thuật robot
Mặc dù, GS Kiko Kikuchi – Bộ môn Robot tiên tiến lần đầu tiên tham gia giảng dạy sinh viên Trường ĐHCN nhưng vẫn đánh giá cao sinh viên Việt Nam nói chung và Trường ĐHCN nói riêng. Lần này đến với Trường ĐHCN giáo sư giảng dạy về môn Động học và động lực học, để giúp sinh viên điều khiển được tay và chân robot thông qua mối quan hệ toán học giữa tay, chân và các khớp liên kết. Giáo sư cho biết, “Lĩnh vực robot có nhiều quá trình như Thiết kế cơ khí; Chế tạo; Thiết kế mạch và cảm biến; Mô hình hóa và tính toán; Lập trình điều khiển thông minh… Và khóa học của tôi liên quan đến quá trình mô hình hoá và tính toán. Trong khóa học này chúng tôi tập trung vào cơ cấu cánh tay bao gồm việc miêu tả động học giữa vị trí và hướng của bàn tay với góc của các khớp liên kết, giữa vận tốc chuyển động của bàn tay với vận tốc góc của các khớp liên kết, giữa lực/mô men của bàn tay với mô men quay của các khớp liên kết, ước tính động học chuyển động của robot. Kết thúc khóa học sinh viên sẽ hiểu được trình tự này và tôi hi vọng các em sẽ trở thành những kỹ sư giỏi về robot”.
Sau khi nhận thấy các khóa học do giáo sư nước ngoài giảng dạy đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu, TS. Đinh Triều Dương khẳng định, Khoa Điện tử viễn thông nói riêng và Nhà trường nói chung có các đối tác nước ngoài hợp tác chặt chẽ trong đào tạo và nghiên cứu, trên cơ sở được sự cho phép và chỉ đạo của Nhà trường, Khoa cũng mong muốn có cơ hội được mời giảng đối với các giáo sư uy tín đến từ các trường đối tác này.
Tuyết Nga (UET-News)
Trường ĐHCN và Trường ĐH Chiba (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực robot, tự động hóa năm 2013. Năm 2017, Trường ĐH Công nghệ Chiba hỗ trợ Trường ĐHCN xây dựng chương trình đào tạo đai học ngành Công nghệ Robot, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2018. Chương trình có sự tham gia trực tiếp của đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành về robot và công nghệ đào tạo của Trường ĐH Công nghệ Chiba và đã trở thành một dự án hợp tác được hỗ trợ kinh phí từ phía chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy triển khai quốc tế hóa các chương trình đào tạo của Nhật Bản ra nước ngoài. Hoạt động trao đổi giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên hằng năm là một trong những nội dung để đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu cho ngành đào tạo này. Tính đến nay, Trường ĐHCN đã cử 23 lượt cán bộ và 49 lượt sinh viên sang trao đổi, làm việc, học tập ngắn hạn tại Trường ĐH Chiba và Trường ĐH Chiba đã cử 12 lượt cán bộ, giảng viên sang làm việc, giảng dạy tại trường ĐHCN.