Hội thảo quốc tế về nghiên cứu robot tại trường Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản và Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN

    Hòa trong bầu không khí vui tươi, đón mừng năm học mới 2019-2020, vào ngày 06/09 tại Hội trường Sunwah Trường Đại học Công nghệ đã tổ chức “Hội thảo quốc tế về nghiên cứu robot tại Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản và Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN”, giúp sinh viên được giao lưu và tìm hiểu về ngành Kỹ thuật robot,dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với trường Đại học Công nghệ Chiba.

Chương trình giao lưu giữa ông Setokuma Osamu – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Công nghệ Chiba và sinh viên Trường ĐHCN

     Tham dự chương trình về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ nhà trường. Về phía trường Đại học Công nghệ Chiba có ông Setokuma Osamu – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Harada Sato – Cố vấn, ông Shusaku Maeda – thành viên Hội đồng quản trị, GS. Ken Tomiyama – Trung tâm nghiên cứu robot tương lai (Furo) và GS Kiko Kikuchi – Bộ môn Robot tiên tiến. Ngoài ra, hội thảo còn nhận được sự quan tâm của các trường đại học và công ty, doanh nghiệp gồm Trường Đại học Thủy Lợi, Học viện Kỹ thuật quân sự, Công ty CP Tự động hóa Tân Phát, Công ty Toshiba Việt Nam, Công ty Fsoft, Công ty Happy Life roboctics.

Các sản phẩm robot do cán bộ, sinh viên thực hiện và nghiên cứu

     Trường Đại học Công nghệ Chiba là trường đại học tổng hợp đa ngành, được thành lập năm 1942. Là một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu tốt nhất của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ, thiết kế và chế tạo robot. Hiện nay, Đại học Chiba có 05 trường con gồm 17 khoa với khoảng 10.000 sinh viên và là một trong những trường đại học tốt nhất ở Nhật Bản về khoa học công nghệ. Trong đó, lĩnh vực công nghệ, thiết kế và chế tạo robot là một trong những thế mạnh của trường và được chính phủ Nhật Bản đầu tư, quan tâm.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu khai mạc

     Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà bày tỏ sự vui mừng về việc hợp tác, hỗ trợ thành công giữa hai bên thông qua tổ chức buổi hội thảo chia sẻ, nghiên cứu các ứng dụng về robot và các kết quả trong việc mở ngành Kỹ thuật robot. Tại Nhật Bản, Trường Đại học Công nghệ Chiba là một trong những trường hàng đầu về đào tạo trong lĩnh vực robot. Trên cơ sở đó, ông Setokuma Osamu đã tiến tới hợp tác hỗ trợ và chuyển giao chương trình đào tạo về Kỹ thuật robot của Trường Đại học Công nghệ Chiba cho Trường ĐHCN, bắt đầu từ năm 2013. Thông qua sự hợp tác giữa hai bên, nhiều đoàn cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường ĐHCN đã được làm việc và học tập ngắn hạn tại Trường Đại học Công nghệ Chiba. Hiệu trưởng đã gửi lời cảm ơn đến GS. Ken Tomiyama là người đồng hành, tiên phong trong việc xây dựng chương trình đào tạo robot tại Nhật Bản và chuyển giao công nghệ cho Trường ĐHCN, đồng thời GS đã trực tiếp tham gia việc giảng dạy, nghiên cứu tại Nhà trường. Qua việc hợp tác, tổ chức các buổi hội thảo,Nhà trường hi vọng có thể tạo ra cộng đồng đào tạo, nghiên cứu robot trong lĩnh vực robot.

GS. Koki Kikuchi trình bày bài báo cáo  “Phát triển các robot có kích thước vài cm”

GS. Ken Tomiyama đã trình bày báo cáo tham luận “Cảm xúc của robot”

      Trong phần giao lưu, GS. Koki Kikuchi và GS. Ken Tomiyama đã chia sẻ với các sinh viên về việc “Phát triển các robot có kích thước vài cm” và “Cảm xúc của robot”. Trong bài tham luận, các diễn giả nhấn mạnh hiện nay ngoài trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, robot còn có thể phát triển cảm xúc để tương tác với con người. Tại phần tiếp theo của hội thảo, sinh viên và đại biểu dự hội thảo đã lắng nghe các bài tham luận với nội dung: “Phát triển một nền tảng robot nhận dạng người” được trình bày bởi TS. Trần Quốc Long (Trường ĐHCN); “Thiết kế, chế tạo hệ thống robot có cấu trúc lai – song song” do PGS.TS. Chu Anh Mỳ – Học viện kỹ thuật quân sự trình bày; “Mang các ý tưởng robotic trong phòng nghiên cứu đến với thực tiễn” được trình bày bởi TS. Võ Gia Lộc (Công ty Happy Life roboctics).

     Các bài tham luận đã giúp sinh viên ngành Kỹ thuật robot có cái nhìn tổng quan chung về cơ hội nghề nghiệp đối với lĩnh vực robotics thông qua các câu hỏi được đặt ra cho diễn giả, đồng thời sinh viên được truyền lửa và tìm hiểu sâu hơn về tương lai trong lĩnh vực này.

GS. Ken Tomiyama tham quan các sản phẩm robot do cán bộ, sinh viên nghiên cứu và thực hiện

Chương trình đào tạo Kỹ thuật robot là sản phẩm của mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa Trường ĐHCN và trường Đại học Công nghệ Chiba. Là chương trình đào tạo kỹ sư đầu tiên tại Việt Nam với tính liên ngành cao giữa công nghệ thông tin – điện tử viễn thông và cơ học kỹ thuật, tự động hóa. Chương trình bao gồm 155 tín chỉ trải dài cho 5 module trong suốt 4,5 năm học. Chương trình đào tạo với cách tiếp cận khác so với phương pháp đào tạo truyền thống, cụ thể năm thứ nhất sinh viên được cung cấp kiến thức nền tảng vững chắc về toán, vật lý đại cương, ngoại ngữ và các bài toán trực tiếp liên quan đến robot; tham gia khóa trải nghiệm robot để sinh viên được tiếp cận thực tiễn. Năm thứ hai các sinh viên được đào tạo các kiến thức nền tảng liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và cơ kỹ thuật. Sau khi học xong năm thứ hai và năm thứ ba sinh viên có thể tự thiết kế được các robot thông minh hoặc các tay máy robot công nghiệp đơn giản. Năm thứ ba và năm thứ tư sinh viên được học chuyên sâu hơn để thiết kế được những sản phẩm phức tạp hơn.

Tuyết Nga (UET-News)

 

Bài viết liên quan