Trường hè “Thiết kế điện tử tương tự và vi mạch RFIC”

   Hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ 18/05 hằng năm và chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập, 20 năm ngày truyền thống,Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) – ĐHQGHN đã tổ chức Trường hè “Thiết kế điện tử tương tự và vi mạch RFIC” tại nhà E3, từ ngày 07/05 đến ngày 09/05/2019.

Diễn giả Xi Jiang – chuyên gia đến từ hãng Synopsys trình bày về thiết kế điện tử tương tự, vi mạch tín hiệu hỗn hợp, vi mạch RF… sử dụng các công cụ từ hãng Synopsys

    Tham gia hội thảo về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Trần Xuân Tú – Trưởng phòng KHCN&HTPT.

    Trường hè là chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ thiết kế vi mạch nằm trong khuôn khổ dự án FIRST tài trợ để Trường ĐHCN thực hiện nhiệm vụ khoa học “Phát triển bộ phát tín hiệu băng kép cho thiết bị IoT ứng dụng trong nông nghiệp” – thuộc hợp phần Chuyên gia giỏi (FIRST Talent). Nhiệm vụ do Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) chủ trì chuyên môn.

     Năm 2018, Phòng thí nghiệm trọng điểm SISLAB đã khởi động nhiệm vụ bằng hội thảo “FIRST IOTA – the 2018 FIRST Workshop on IoT devices for Agriculture: from chip design to applications”. Tiếp nối dự án FIRST Talent, năm 2019 SISLAB cùng Phòng thí nghiệm Cao tần tại Trường Đại học UC Davis (Hoa Kỳ), Trường Đại học Công nghệ Sydney (Úc) và hãng Synopsys tổ chức trường hè. Chương trình là khóa đào tạo do diễn giả Xi Jiang – chuyên gia đến từ hãng Synopsys trình bày về thiết kế điện tử tương tự, vi mạch tín hiệu hỗn hợp, vi mạch RF… sử dụng các công cụ từ hãng Synopsys.

Phó Hiệu trưởng Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc

     Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh chương trình trường hè nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập và 20 năm ngày truyền thốngcủa Nhà trường. Với sự phát triển khoa học và công nghệ, đến năm 2025, mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT) sẽ đạt 100 tỷ kết nối và sẽ có doanh thu khoảng 11 nghìn tỷ USD. Trong đó, khi vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 58% của doanh thu từ IoT. IoT sẽ có ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, giám sát môi trường, các ứng dụng y tế, các hệ thống giao thông vận tải thông minh, quân sự và dây truyền sản xuất công nghiệp. Thiết kế điện tử tương tự, vi mạch tín hiệu hỗn hợp và các thiết kế tối ưu đang là xu hướng mới để đáp ứng các yêu cầu mới của các ứng dụng IoT về mặt giá thành, hiệu suất cũng như năng lượng tiêu thụ. Những lĩnh vực này đều là thế mạnh của Nhà trường nói chung và các phòng thí nghiệm trọng điểm nói riêng để ứng dụng IoT cho nông nghiệp công nghệ cao. Phó Hiệu trưởng khẳng định khóa đào tạo sẽ cung cấp cho sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu kiến thức để thực thi một hệ thống từ bước ý tưởng mô phỏng đến layout để tạo nên các thiết kế vi mạch tích hợp sẵn sàng cho sản xuất.

     Năm 2018, được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng Thế giới, Ban Quản lý Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (gọi tắt là Dự án FIRST) và Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã ký thỏa thuận khoản tài trợ dành cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Hợp phần 1A) đối với nhiệm vụ do Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB) đề xuất. Đây là khoản tài trợ thuộc hợp phần tài trợ dành cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – được cấp cho các tổ chức công lập hoặc tư nhân nhằm khuyến khích các nhà khoa học giỏi nước ngoài (trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài) đến Việt Nam và hợp tác với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân ở Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

     Với đề xuất nghiên cứu “Phát triển bộ phát tín hiệu băng kép cho thiết bị IoT ứng dụng trong nông nghiệp”, Phòng thí nghiệm trọng điểm SISLAB đã hợp tác với GS. Phạm Huỳnh Anh Vũ, Trung tâm Nghiên cứu Sóng siêu cao tần tại Đại học UC Davis, bang California, Hoa Kỳ – một trong những trung tâm nghiên cứu nổi tiếng tại Hoa Kỳ trong lĩnh vực thiết kế RFIC và MMIC với mục tiêu nghiên cứu thiết kế các lõi IP cho vi mạch thu phát tín hiệu băng kép cho các thiết bị IoT. Ngoài ra, nhiệm vụ khoa học này còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Qualcom (TS. Arvind Keerti) và các nhà khoa học đến từ Đại học Công nghệ Sydney, Úc (thông qua Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu và Đổi mới Công nghệ – JTIRC).

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan