Mạng cảm biến ứng dụng trong nông nghiệp thông minh

     Sau một năm tìm hiểu và nghiên cứu, nhóm sinh viên khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa (Trường Đại học Công nghệ) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu tích hợp mạng cảm biến ứng dụng trong nông nghiệp thông minh” với sự hướng dẫn của TS. Nguyên Ngọc Linh và đạt giải Ba giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018.

Nông nghiệp kết hợp IOT

       Hàng ngày tiếp xúc với sự phát triển của công nghệ 4.0, nhưng nhóm sinh viên gồm 04 bạn trẻ Nguyễn Văn Hùng (K59M), Nguyễn Mậu Hoàng, Vũ Thế Quân và Tạ Ngọc Hải (K60M) đều nhận thấy rằng trong nền kinh tế Việt Nam lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, nhưng vẫn còn lạc hậu. Mọi công đoạn canh tác chủ yếu là thủ công và hầu hết các công việc đều cần con người. Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng lại không tương xứng với công sức con người bỏ ra. Trong khi đó, các nước phát triển đã áp dụng những kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến để giúp nền nông nghiệp của họ phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, bốn sinh viên trẻ đều có gia đình làm trong lĩnh vực nông nghiệp, điều đó càng thúc đẩy các em nghiên cứu và phát triển một sản phẩm để ứng dụng trong nông nghiệp. Khi đã có đam mê, động lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ nhóm sinh viên đã bắt đầu quá trình tìm hiểu và nghiên cứu nên chọn một sản phẩm như thế nào để giúp được người nông dân. Qua tìm hiểu nhóm nghiên cứu thấy rằng trên internet có giới thiệu và rao bán nhiều thiết bị đo đạc thông số môi trường phục vụ nông nghiệp thông minh, nhưng rất ít các sản phẩm có thể kết nối với nhau tạo  thành một mạng cảm biến giúp giám sát một vùng rộng lớn. Cả nhóm đã nảy ra ý tưởng tạo nên một mạng cảm biến có thể làm được việc đó trên cơ sở áp dụng công nghệ Zigbee khá mới mẻhiện nay. Vì Zigbee có thể truyền dữ liệu rất xa mà tiêu tốn năng lượng rất ít. Nhóm đã tìm được công nghệ nhưng lại mất một thời gian để tìm hiểu người nông dân thật sự cần điều gì để chăm sóc cây trồng.

Công trình của các sinh viên Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Mậu Hoàng, Vũ Thế Quân, Tạ Ngọc Hải do TS. Nguyễn Ngọc Linh hướng dẫn được đề cử tham dự “Công trình sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2017-2018″

      Vũ Thế Quân cho biết, vì các thành viên đều có một điểm chung là xuất thân từ gia đình làm nông nên những khó khăn của người làm nông đều được các thành viên trong nhóm thấu hiểu. Khi làm nông nghiệp người nông dân phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, môi trường, dù có bỏ công chăm sóc kỹ càng nhưng thời tiết không thuận lợi họ cũng dễ dàng bị mất trắng. Vì vậy, nhóm lập tức nghĩ đến việc kết hợp nông nghiệp với IOTđể có thể giúp nông dân giám sát và kiểm tra các thông số môi trường trong toàn bộ khu canh tác một cách tổng thể và đưa ra các biện pháp tưới tiêu, chăm bón phù hợp một cách nhanh nhất. Ngay sau khi đã có ý tưởng cùng sự chỉ dẫn tận tình từ thầy giáo hướng dẫn Nguyễn Ngọc Linh, tháng 11/2017 nhóm đã bắt đầu thực hiện đề tài “nghiên cứu tích hợp mạng cảm biến ứng dụng trong nông nghiệp thông minh”.

      Tại sao lại nói mạng cảm biến ứng dụng trong nông nghiệp thông minh là bởi vì mạng cảm biến này là một hệ thống gồm các nút cảm biến với chức năng đo đạc các thông số môi trường là nhiệt độ, độ ẩm môi trường, độ ẩm đất để gửi về bộ kiểm soát trung tâm, đồng thời có chức năng bật tắt các thiết bị tưới tiêu, điều chỉnh nhiệt độ. Bộ dữ liệu trung tâm thu nhận dữ liệu được truyền không dây từ các nút cảm biến, cập nhật vào cơ sở dữ liệu và có ứng dụng trên điện thoại android liên kết với Database để thu nhận và hiện thị các thông số môi trường cho người dùng dễ dàng theo dõi.

Đề tài “Nghiên cứu tích hợp mạng cảm biến ứng dụng trong nông nghiệp thông minh” của nhóm nghiên cứu khoa CHKT&TĐH đã đạt giải Ba giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo

Học tập đi đôi nghiên cứu mang hiệu quả cao

     Đề tài “Nghiên cứu tích hợp mạng cảm biến ứng dụng trong nông nghiệp thông minh” của nhóm nghiên cứu khoa CHKT&TĐH đã đạt giải Ba giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo là minh chứng xác thực nhất đối với việc “học đi đôi với hành” hiệu quả như thế nào. Vũ Thế Quân chia sẻ, các thành viên trong nhóm đều bất ngờ khi được Nhà trường chọn là một trong hai đề tài tham dự cấp Bộ. Bởi vì, trong giải thưởng sinh viên nghiên cứu cấp trường có rất nhiều đề tài, sản phẩm khác mang tính sáng tạo và thực tiễn cao hơn đề tài của nhóm. Nhưngbất ngờ nối tiếp bất ngờ khi nhóm nhận được tin đạt giải Ba cấp Bộ. Giải thưởng này đã động viên và tiếp thêm lửa cho các thành viên trong nhóm để tiếp tục thực hiện phát triển sản phẩm này.

     Nói như thế là bởi vì, nhóm các chàng trai trẻ trong quá trình nghiên cứu đề tài cũng gặp không ít khó khăn và kết quả ngày hôm nay chính là sự nỗ lực của các thành viên trong nhóm nghiên cứu. Cả 4 thành viên đều ít kinh nghiệm chuyên môn, lại lần đầu tiên nghiên cứu nên có những lúc gặp các trường hợp như không kết nối được, hay truyền nhận dữ liệu có lúc bị sai lệch, hoặc cơ sở dữ liệu không cập nhật làm cho giao diện trên web và android không tải lên được thông số chính xác ở từng thời điểm. Mặc dù vậy,nhóm nghiên cứukhông lùi bước mà vẫn cố gắng tìm hiểu và khắc phục, cùng với sự hướng dẫn từ thầy Nguyễn Ngọc Linh cũng như các thầy/cô và anh/chị khóa trên của khoa CHKT&TĐH, nên nhóm nghiên cứu đều nhanh chóng tìm được cách giải quyết. Mỗi khi vấn đề được tháo gỡ các thành viên trong nhóm cảm thấy nghiên cứu khoa học đã giúp các thành viên tiếp thu được nhiều kiến thức mới, quan trọng hơn là áp dụng những kiến thức trên sách vở vào trong thực tiễn để phục vụ cho công việc sau này của các thành viên. Một vấn đề nữa cũng làm nhóm “đau đầu”, đó là việc sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo việc học tập và nghiên cứu. Thời điểm các thành viên trong nhóm tham gia nghiên cứu đều là sinh viên năm thứ ba hoặc năm thứ tư, cho nên thời gian càng eo hẹp. Thế Quân cho biết, ngoài thời gian học trên giảng đường, thời gian còn lại các thành viên sẽ ngồi lại với nhau, mỗi người một việc và thảo luận đưa ra các phương án. Buổi tối và cuối tuần mọi người có thời gian rảnh sẽ ở nhà chuẩn bị hoặc tìm tài liệu nghiên cứu.

      Không chỉ dừng lại ở kết quả hiện tại, Thế Quân khẳng định, trong thời gian tới, nhóm sẽ tăng thêm các thông số đo lường về thời tiết, đất đai, môi trường… Đồng thời có thể sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, gió để cung cấp nguồn cho sản phẩm hoạt động. Và hơn thế nữa, chúng em có thể xây dựng mạng cảm biến này trong các Smarthome, quản lý điều khiển các thiết bị trong nhà dễ dàng hơn.

Theo Nga Tuyết (Bản tin ĐHQGHN số 335+336)

Bài viết liên quan