Hoàn thành tốt việc kiểm định Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử theo chuẩn AUN-QA

    Ngày 20/12, tại Lễ bế mạc chương trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử theo tiêu chuẩn kiểm định của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA).

    Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài có PGS.TS. Nantana Gajaseni, Quyền chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng AUN-QA; các chuyên gia đánh giá: GS.TS.Shahrir Abdullah – Đại học Kebangsaan Malaysia; PGS.TS. Supitcha Cheevapruk – Đại học Công nghệ King Mongkut, Thái Lan.

     Tham dự gồm GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN; TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng, TS. Bùi Vũ Anh – Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng; PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Trường ĐHCN; cùng Ban Giám hiệu, các đại diện lãnh đạo phòng, khoa trực thuộc Trường ĐH Công nghệ.

     Tại buổi bế mạc, các chuyên gia kiểm định đã trình bày 11 tiêu chuẩn của AUN liên quan tới các nội dung như chuẩn đầu ra, phương pháp tiếp cận dạy và học, chất lượng của đội ngũ giảng viên, đánh giá của sinh viên, v..v. Từ các tiêu chuẩn  này, những điểm mạnh, điểm cần khắc phục và khuyến nghị của chuyên gia về 2 chương trình cũng lần lượt được chỉ ra thông qua phần thuyết trình của các chuyên gia tại lễ bế mạc và qua các báo cáo chi tiết gửi về từng đơn vị. Chương trình Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử được  các chuyên gia từ AUN ghi nhận sự hài lòng của nhà tuyển dụng đối với chất lượng của sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này. Mặc dù vậy, để có thể đưa chất lượng sinh viên đến gần nhất với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, các chuyên gia gợi ý Nhà trường và Khoa nên đầu tư hơn nữa vào việc thiết kế chuẩn đầu ra và quy trình để đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà trường cần cải thiện cơ sở vật chất giúp cho sinh viên khi số lượng người học ngày một tăng. Không chỉ dừng lại ở cấp độ chương trình đào tạo, các chuyên gia của AUN cũng khuyến nghị lãnh đạo Nhà trường, khoa, ngành của ĐHQGHN nên có sự trao đổi cùng các cơ sở đào tạo khác trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới để có thêm thực tiễn phục vụ cho việc thay đổi và phát triển các ngành học.

       Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức bày tỏ sự tin tưởng rằng những nhận xét và khuyến nghị từ các chuyên gia AUN sẽ định hướng để các chương trình đào tạo được kiểm định lần này có thể cải thiện chất lượng, làm hình mẫu để khích lệ các chương trình đào tạo và các đơn vị khác trong ĐHQGHN có thể tự tin đề xuất để được kiểm định theo chuẩn AUN- QA.

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức (thứ tư, bên phải ảnh sang) trao quà lưu niệm cho đoàn chuyên gia đánh giá

    Phát biểu tại lễ bế mạc, PGS. TS Nantana Gajaseni cảm ơn sự tin tưởng mà ĐHQGHN đã dành cho mạng lưới AUN nói chung và cho bộ tiêu chuẩn AUN-QA nói riêng. Bà bày tỏ mong muốn các thành viên AUN trong đó có ĐHQGHN sẽ tiếp tục sát cánh đồng hành để kiến tạo văn hóa kiểm định chất lượng tại các trường đại học ở các nước Đông Nam Á.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu tại lễ bế mạc

     Nhân dịp này, PGS. TS. Nguyễn Việt Hà đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo, các Ban của ĐHQGHN đã chỉ đạo và Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục cũng như các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN  đã hỗ trợ và phối hợp không chỉ trong đợt kiểm định lần này mà còn trong toàn bộ quá trình phát triển của nhà trường, giúp đỡ nhà trường hoàn thành các nhiệm vụ và sứ mệnh của mình. Hiệu trưởng khẳng định Nhà trường sẽ tiếp thu những khuyến nghị từ đoàn chuyên gia AUN và sắp tới sẽ có kế hoạch cải thiện cụ thể hơn nữa đối với các chương trình đào tạo vừa được đánh giá.

Tuyết Nga (UET-News)

 Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA hiện nay có 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức là: 1 = Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, phải có giải pháp khắc phục ngay lập tức; 2 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, cần có những giải pháp khắc phục; 3 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá, nhưng chỉ cần có giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu; 4 = Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 5 = Đáp ứng tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 6 = Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí đánh giá; 7 = Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí đánh giá.

Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.

Bài viết liên quan