Đoàn công tác Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ tham quan và làm việc với các trường đại học đào tạo Hàng không vũ trụ tại Liên bang Nga

     Ngày 14/11-15/11/2018,Đoàn công tác Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Trường ĐH Công nghệ đã có buổi tham quan và làm việc tại Viện Hàng không Moscow (Moscow Aviation Institute – MAI), Liên Bang Nga.

     Tham dự buổi làm việc, về phía Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ gồm có PGS.TS Trương Ninh Thuận – Phó viện trưởng Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ cùng TS. Lê Quang Minh – Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN. Về phía Viện Hàng không Moscow gồm có Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Kozorev D.A., Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế Pogosiana O.M., Phó trưởng Khoa Thiết kế cùng hai Phó Trưởng khoa Động cơ của MAI.

Đoàn công tác Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Viện Hàng không Moscow – MAI

     Trong buổi làm việc đầu tiên, đoàn được tham quan các xưởng thí nghiệm của Khoa thiết kế, gồm có nhiều bộ môn xuyên suốt quá trình thiết kế, trong đó có cả thiết kế máy bay phản lực; thiết kế máy bay trực thăng; mô phỏng thử nghiệm bay; đánh giá theo các tiêu chuẩn cấp giấy phép … Hệ thống phòng thí nghiệm của MAI cho thấy tính tổng thể rất cao, các sinh viên, học viên cao học, NCS được đào tạo ngay trên các máy bay thực tế, các thành phần của máy bay đã được cắt lát và chia nhỏ. Tại phòng mô phỏng hệ thống thử nghiệm bay, MAI đã giới thiệu với đoàn công tác về một sản phẩm học lái máy bay cho tất cả các loại máy bay hiện nay với cabin và hệ thống giả lập các quá trình cất cánh, hạ cánh, nhào lộn…Sau khi thăm các phòng thí nghiệm của Khoa thiết kế, Đoàn cũng đã gặp gỡ một số giảng viên người Việt đang trực tiếp giảng dạy tại MAI để thảo luận về hướng hợp tác cũng như mời về giảng dạy chương trình Công nghệ Hàng không Vũ trụ tại Trường ĐH Công nghệ.

     Ngày 15/11/2018, Đoàn được tham quan phòng thí nghiệm của Khoa các thiết bị vũ trụ, cụ thể là các vệ tinh Soyuz, các thiết bị bay, thiết bị tự hành thám hiểm Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Hoả. Được biết Khoa các thiết bị vũ trụ cũng đã thực hiện xây dựng các vệ tinh cỡ nhỏ và có Trung tâm quan sát (đặt trên tầng cao nhất của toà nhà MAI) kết nối trực tiếp với Trung tâm vũ trụ của Nga (đặt tại thành phố Korolev, ngoại ô Moscow). Tại đây, Đoàn còn được tham quan phòng học trực tuyến của MAI, trao đổi với giáo sư đang giảng bài trực tuyến cho nhà máy về Hàng không của Nga từ vùng Viễn Đông. Công nghệ và hệ thống bài giảng trực tuyến có thể sẵn sàng tổ chức cho các lớp học ở Việt Nam.

      Kết thúc 2 ngày làm việc tại Viện Hàng không Moscow của Lãnh đạo Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác, theo đó, phía MAI sẵn sàng phối hợp tư vấn mua các thiết bị phục vụ thực hành, nghiên cứu về Hàng không Vũ trụ tại Trường ĐH Công nghệ, xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo như 2+2 (cử nhân), 1+1 (thạc sỹ) và sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến của MAI trong quá trình hợp tác. Sự hỗ trợ này là tiền đề để Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Trường ĐH Công nghệ tiến đến quốc tế hóa chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ sắp tới.

     Ngoài ra, Đoàn công tác Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ còn tham gia hội thảo khoa học tại Viện Điện tử – Tin học Saint Petersburg (SPIIRAS) cũng như Tham quan tại khu Công nghệ cao Skolkovo (ngoại ô Moscow), làm việc với công ty Sputnix (CubeSat laboratory), định hướng phát triển các vệ tinh cỡ nhỏ phù hợp với mục tiêu đào tạo.

Trong tương lai, sinh viên ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ có thể sản xuất và điều khiển vệ tinh cỡ nhỏ

PGS.TS Trương Ninh Thuận, Phó Viện Trưởng Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

Bài viết liên quan