Trường ĐHCN xây dựng bản đồ số Việt Nam trong đề án Hệ tri thức Việt số hóa
Hơn 42.000 file hỏi đáp và hơn 12.000 file dữ liệu tham gia vào nguồn cơ sở dữ liệu xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa là kết quả mà Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã thực hiện được khi tham gia Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Trong khuôn khổ đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) với sự phối hợp của các nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường và Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ đã xây dựng bản đồ số Việt Nam (VNmap).
Đến thời điểm hiện nay (tháng 9/2018) nhóm VNMap đã xây dựng xong phiên bản v1.0 của hệ thống Bản đồ số Việt Nam, phiên bản v1.0 của phần mềm chỉnh sửa dữ liệu trên web dành cho các chuyên gian dữ liệu, phiên bản v1.0 của phần mềm thu thập dữ liệu trên điện thoại di động, dữ liệu thử nghiệm trên đường Xuân Thủy.
Hệ Tri thức Việt số hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017. Đây là hệ sinh thái toàn diện tổng hợp tri thức trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề được xây dựng với tinh thần: Chia sẻ tri thức, cổ vũ sáng tạo, kết nối cộng đồng, vì tương lai Việt Nam.
Lễ khởi động Đề án Hệ tri thức Việt số hóa ngày 01/01/2018
Phát biểu tại lễ khởi động Đề án ngày 1/1/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là trang dữ liệu mở của người Việt, tạo điều kiện để mọi người dân học tập, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển đất nước. Mục tiêu của Hệ tri thức Việt số hóa là xây dựng một kho tri thức của thế giới và Việt Nam được tổ chức, lưu trữ một cách tiên tiến nhằm phục vụ cho việc khai thác sử dụng thông tin phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Với nguồn lực hùng hậu cùng nhận thức sâu sắc về giá trị của đề án, ĐHQGHN đã năng động tiên phong, trở thành một trong những đơn vị đầu tiên tích cực góp sức cùng đề án. Trung tâm Thông tin – Thư viện, Viện Công nghệ Thông tin, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên là những đơn vị được ĐHQGHN giao nhiệm vụ đóng góp dữ liệu vào Hệ tri thức Việt số hóa.
Tính đến 30/8/2018, Đoàn viên – Sinh viên ĐHQGHN đã đóng góp được hơn 42.000 file dữ liệu (mỗi file gồm 1 câu hỏi và 1 câu trả lời cho câu hỏi đó liên quan đến kiến thức chuyên môn của ngành/chuyên ngành đào tạo của sinh viên). Trung tâm Thông tin – Thư viện đã triển khai thu thập, số hóa hơn 10.000 bộ dữ liệu lên trang Dữ liệu mở, bao gồm: 1.500 bài báo (tương đương với 7.7 GB dữ liệu) của các kỳ Hội thảo quốc tế Việt Nam học; hơn 8.200 bài tạp chí thuộc các chuyên san tạp chí ĐHQGHN (tương đương với 11GB) và 350 bài Thông tin địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam. Song song với đó, Trung tâm đã đóng góp khoảng 10.000 câu hỏi/đáp lên trang Ngân hàng hỏi đáp, số hóa và chuyển file số thành dạng văn bản 19 tài liệu (tương dương 2.242 trang) của GS. Nguyễn Lân Dũng và 02 tài liệu (tương đương 4.941 trang) của GS. Trần Trí Dõi.
Bộ dữ liệu do ĐHQGHN cung cấp cho kho tàng Dữ liệu mở đã được đánh giá cao, trở thành nguồn thông tin tra cứu vô cùng hữu ích cho cộng đồng.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức phát biểu tại lễ sơ kết triển khai nhiệm vụ Tri thức Việt số hóa
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, trong những năm vừa qua, bên cạnh mục tiêu phát triển đại học theo định hướng nghiên cứu, ĐHQGHN còn quan tâm đến cả phát triển định hướng đại học số. Theo đó, các tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu được số hóa tạo nên nguồn tài nguyên số nội sinh khá đồ sộ. Hơn 36.000 tài liệu đã được số hóa và kết nối mở, có thể tìm kiếm trực tuyến trên hệ thống Google Scholar. Đây là một trong các chỉ số nhận diện cơ bản để ĐHQGHN luôn trong nhóm dẫn đầu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics.
Từ năm 2016, ĐHQGHN đã từng bước xây dựng hệ thống Tư liệu Khoa học Việt Nam (V-CitationGate – https://vcgate.vnu.edu.vn/) để kết nối và tích hợp tri thức số từ các nguồn: Các Tạp chí của Việt Nam xuất bản online, có trang web gốc, được index vào nguồn Google Scholar; các bài báo của các tác giả Việt Nam và các bài báo của các tác giả nước ngoài nghiên cứu về Việt nam công bố trên hệ thống tạp chí khoa học thuộc ISI và Scopus; các tài liệu số hóa về các bài viết, tư liệu quý, cổ có nguồn từ các thư viện Việt Nam và nước ngoài.
Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” là cơ hội để ĐHQGHN đưa nguồn tri thức đã và đang sở hữu của mình cùng với nguồn tri thức đang có trong đội ngũ gần 2.500 nhà khoa học và 35.000 sinh viên phát triển mạnh và xâm nhập sâu rộng vào cộng đồng xã hội.
“Các hệ thống tài nguyên số và hệ tích lũy – khởi tạo tri thức phục vụ cộng đồng của ĐHQGHN được phát triển, trước hết nhằm phát triển cộng đồng ĐHQGHN, nhưng về mặt công nghệ, các hệ thống này hoàn toàn tương thích để có thể kết nối hoặc chuyển giao cho Hệ thống hệ Tri thức Việt của quốc gia” – Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức khẳng định.
Năm 2018, ĐHQGHN đã xây dựng và chuyển giao thành công một số ứng dụng trên website, ứng dụng di động phần mềm góp phần xây dựng một hệ sinh thái số như: Ứng dụng điều vận xe trực tuyến EMDDI hay Hệ thống giám sát định vị dẫn đường cho thiết bị cầm tay VNmap.
Trong khuôn khổ đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Trường ĐHCN đã xây dựng bản đồ số Việt Nam (VNmap). Bản đồ số Việt Nam hướng tới 3 mục tiêu chung và cũng là 3 sản phẩm sau:
Cơ sở dữ liệu Bản đồ số Việt Nam bao gồm các lớp dữ liệu: Mốc địa giới, biên giới quốc gia, địa giới hành chính từ tỉnh tới huyện, xã. Tại khu đô thị, thành phố, dữ liệu sẽ tới chi tiết đường phố, ngõ, ngách; Bản đồ đường chi tiết ở nông thôn, các thuộc tính của đường phố như số chiều, số làn, phương tiện được phép lưu thông, các biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông, tốc độ cho phép,..
Một lớp dữ liệu mới được cập nhật tại dự án này là dữ liệu dân cư và cơ sở hạ tầng như Địa danh dân cư: chi tiết đến ấp, khu dân cư (bé hơn đơn vị xã, phường); Các khu chức năng: Trụ sở UBND các cấp. Toàn bộ dữ liệu về địa điểm trụ sở cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc chính phủ, từ trung ương đến địa phương như: Các cơ sở đào tạo, y tế, bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc, cơ sở văn hóa, tôn giáo, du lịch, danh lam thắng cảnh, bưu điện, bưu cục.
Lớp dữ liệu về địa chỉ sẽ chi tiết đến từng nhà: tọa độ địa lý + số nhà + ngách/ngõ/đường/phố + loại dịch vụ cung cấp tại số nhà đó như nhà hàng, khách sạn, cây xăng, ngân hàng, ATM, bến tàu, bến xe khách, bến xe buýt, bảo tàng, thư viện,…
Giao diện của hệ thống Bản đồ số Việt Nam VNMap
Ở nhóm sản phẩm thứ 2 đề án hướng tới là Thư viện dịch vụ bản đồ Geo_API phục vụ cộng đồng các nhà phát triển bên thứ ban (3rd Party App) với nhiều tài liệu hướng dẫn sử dụng chi tiết.
Ở nhóm sản phẩm 3 là website có địa chỉ http://vnmap.vn hiển thị toàn bộ cơ sở dữ liệu bản đồ số Việt Nam. Sản phẩm được xây dựng cho tra cứu thông qua máy tính và các app trên thiết bị di động với các chức năng tìm kiếm (geocoding), tìm đường cho ô tô, xe đạp, người đi bộ (routing)…
Đến thời điểm hiện nay (tháng 9/2018) nhóm VNMap đã xây dựng xong phiên bản v1.0 của hệ thống Bản đồ số Việt Nam, phiên bản v1.0 của phần mềm chỉnh sửa dữ liệu trên web dành cho các chuyên gian dữ liệu, phiên bản v1.0 của phần mềm thu thập dữ liệu trên điện thoại di động, dữ liệu thử nghiệm trên đường Xuân Thủy.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2018, ĐHQGHN đã công bố ứng dụng điều vận xe trực tuyến EMDDI do nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Công nghệ và Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN nghiên cứu phát triển hoạt động theo mô hình hoàn toàn mới, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin kết nối các đơn vị kinh doanh vận tải. Sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ và được ứng dụng thành công trong thực tiễn.
Ông Trần Quang Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải nhận xét, việc đưa phần mềm EMDDI triển khai rộng rãi giúp các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống cởi bỏ nút thắt trong thực tế cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ như Uber và Grab. Phần mềm là công cụ kết nối giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoàn toàn tự chủ trong việc quyết định giá dịch vụ, đây là cốt lõi của giao dịch thương mại điện tử. Bằng phương thức thanh toán trực tiếp cho đơn vị kinh doanh vận tải trên nền tảng công nghệ QR-code, EMDDI cũng là giải pháp đảm bảo lợi ích doanh nghiệp.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển Công nghệ khẳng định: “EMDDI là nền tảng công nghệ tiên phong, có khả năng kết nối cộng đồng”. Bà Lan cũng cho hay, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn bày tỏ quan điểm ủng hộ phương thức phát triển các ứng dụng khoa học và công nghệ vào khởi nghiệp, các mô hình công ty spin-off của ĐHQGHN.
Nhiều đơn vị sử dụng ứng dụng điều vận xe EMDDI của Đại học Quốc gia Hà Nội
Với tư cách các đơn vị kinh doanh vận tải đã thí điểm triển khai phần mềm EMDDI trong hoạt động của mình, lãnh đạo các doanh nghiệp như Vinasun (thành phố Hồ Chí Minh), Lado Taxi (Lâm Đồng), Phúc Xuyên (Quảng Ninh), Hiệp hội taxi Hà Nội… đều đánh giá cao hiệu quả của phần mềm và cho rằng, EMDDI là giải pháp công nghệ hiệu quả, tối ưu trong việc kết nối doanh nghiệp và khách hàng trong bối cảnh taxi công nghệ đang dần có lợi thế hơn taxi truyền thống, đồng thời giải quyết được những hạn chế mà phần mềm điều xe riêng của từng hãng đang gặp phải. Đại diện các hãng vận tải cũng đồng thuận trong việc kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước tháo bỏ nút thắt về cơ chế để EMDDI có thể ứng dụng đại trà trên toàn quốc.
Hiện nay, EMDDI được triển khai tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước với hàng nghìn xe tham gia, trong đó có các công ty taxi được hoạt động theo đề án thí điểm xe chạy hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông Vận tải.
Việc xây dựng hệ tri thức Việt số hóa phải thông qua nhiều khâu khác nhau, cần có mức độ xã hội hóa cao, huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ thanh niên trí thức nhằm khơi dậy trí sáng tạo, đóng góp cho nền tri thức của đất nước.
Theo Giang Bùi (VNU Media)