Trường ĐHCN: vị thế đào tạo nguồn nhân lực CNTT trên trường quốc tế
Hiện nay với sự phát triển của cách mạng 4.0 nên lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) là một ngành, lĩnh vực trọng tâm được các quốc gia trên thế giới quan tâm đẩy mạnh phát triển ứng dụng. Trên cơ sở đó, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế; coi thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành và lĩnh vực.
Nắm bắt trước được xu thế, Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) được thành lập với mục tiêu tập trung phát triển các hoạt động đào tạo và nghiên cứu dựa trên nền tảng khoa học cơ bản vững mạnh, lấy Công nghệ thông tin và truyền thông làm trung tâm, phát huy thế mạnh. Từ đó, Nhà trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến.
Sự ra đời của Khoa CNTTđang từng bước đóng góp vào sự phát triển của Trường ĐHCN nóiriêng và lĩnh vực CNTT nói chung. Ngay từ khi được thành lập, khoa CNTT đã trở thành 1 trong 7 khoa CNTT trọng điểm trong cả nước. Đặc biệt, khoa đã có đóng góp tích cực và đáng kể vào nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về đào tạo nhân lực CNTT của hệ thống giáo dục Việt Nam.
Top đầu thế giới trong lập trình sinh viên
Đầu tiên, phải kể đến các thành tích cao của sinh viên khoa CNTT tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest). Đây là kỳ lập trình lâu đời nhất, lớn nhất và có uy tín nhất trên thế giới, hằng năm thu hút khoảng 400.000 sinh viên xuất sắc nhất của các khoa trong lĩnh vực CNTT, máy tính từ 4.000 trường đại học trên toàn thế giới tham dự thi. Kỳ thi này được đánh giá là tương đối khốc liệt vì ngoài việc kiến thức không hạn chế dành cho bậc đại học. Để tham gia được kỳ thi này sinh viên phải có kinh nghiệm code, trải qua 7-8 năm luyện tập và phối hợp.
Năm 2006, Việt Nam có đội tuyển đầu tiên tham dự tại Chung kết toàn cầu ACM/ICPC. Trong suốt 13 năm dự thi Việt Nam đã và đang phấn đấu để giữ vững vị trí hằng năm có các đội tuyển lọt vào Chung kết toàn cầu ACM/ICPC. Năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên đạt kết quả cao nhất với đội tuyển của Trường ĐHCN nằm trong top 15 của chung kết toàn cầu, đứng trên rất nhiều đội mạnh như Tổng hợp Đài Loan, Haward, Stanford… Ngoài ra, thứ hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu của Trường ĐHCN ngày càng tăng, những năm gần đây đều nằm trong top 30. Năm 2018 là năm thứ bảy trường ĐHCN có đội tuyển đạt kết quả cao và là năm thứ tư liên tiếp Trường có đội tuyển tham dự vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC. Thành tích thi ACM/ICPC toàn cầu của sinh viên trường ĐHCN 4 năm liên tiếp gần đây như sau: năm 2015, đội tuyển Java# đã đưa Việt Nam vào vị trí thứ 20 tại vòng chung kết toàn cầu. Tiếp đó, đội tuyển BYTE đã giành vị trí thứ 29 và đưa Việt Nam vào quốc gia có vị trí thứ 14 tại cuộc thi ACM/ICPC 2016. Đến năm 2017, đội tuyển Linux đã giành thứ hạng 34/128 đội tuyển tham dự tại Vòng chung kết toàn cầu kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2017.
Đội tuyển Unsigned đạt top 15 vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC năm 2018
Năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên đạt kết quả cao nhất với đội tuyển của Trường ĐHCN nằm trong top 15 của chung kết toàn cầu
Đối với bảng xếp hạng của kỳ thi toàn cầu này, thứ hạng từ 1 đến 140 trên bảng xếp hạng sẽ được phân định sau khi thời gian thi kết thúc và đó cũng là thứ hạng về đào tạo sinh viên cho lĩnh vực lập trình với tiêu chí “tài năng – tập thể và hoàn thiện”. Việc có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chung kết ACM/ICPC là vinh dự cho trường ĐHCN trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin. Kỳ thi này có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tham dự và quan sát, nên xếp hạng của các đội tuyển trong kỳ thi này rất quan trọng đối với trường ĐHCN nói chung và sinh viên nói riêng. Sinh viên Phạm Văn Hạnh (khoa CNTT) ngay sau khi tham gia vòng chung kết toàn cầu năm 2016 và 2017 với kết quả xếp hạng 28 và 34 đã nhận được học bổng thực tập của Facebook.
Sinh viên Phạm Văn Hạnh (bên trái ảnh) được thực tập tại Facebook, Anh
Với chứng nhận giải thưởng ACM/ICPC nhiều sinh viên xuất sắc Trường ĐHCN nói riêng và các trường đại học nói chung đã nhận được học bổng toàn phần du học ở Hoa Kỳ và châu Âu. Sau khi kết thúc vòng chung kết toàn cầu năm 2018, các sinh viên của khoa CNTT gồm Lê Quang Tuấn, Nguyễn Đình Quang Minh đã nhận được học bổng quốc tế của Đại học Quốc gia Singapore, còn Phạm Cao Nguyên sẽ du học tại Canada.
Bồi dưỡng tinh hoa ngành CNTT
Trường ĐHCN được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao nhiệm vụ tập huấn đội tuyển dự thi Olympic Tin học quốc tế vào năm 2011 và đã đạt được thành công với 4 thí sinh đều đoạt giải gồm 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Trong suốt 8 năm tập huấn cho các đội tuyển đến từ nhiều trường THPT toàn quốc, Trường ĐHCN đã góp phần nâng cao thành tích tin học của Việt Nam trên trường quốc tế. Sau thành công tại các cuộc thi Olympic Tin học quốc gia và quốc tế, các em học sinh đã quyết định chọn Trường ĐHCN là nơi gửi gắm ước mơ của bản thân. Cụ thể, em Nguyễn Vương Linh cùng em Lê Khắc Minh Tuệ đã theo học ngành Khoa học máy tính, khoa CNTT sau cuộc thi Olympic tin học quốc tế năm 2011. Năm 2015, em Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Tiến Trung Kiên đã học tại khoa CNTT sau kỳ thi Olympic Tin học Quốc tế tổ chức tại Kazakhstan. Năm 2016, em Phan Đức Nhật Minh đã học tại khoa CNTT sau kỳ thi Olympic Tin học quốc tế tại CHLB Nga.
Cựu sinh viên Phan Đức Nhật Minh (thứ 4, bên trái ảnh) đạt huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế và đã học tại Trường ĐHCN
Bên cạnh đó, Nhà trường còn cử cán bộ, giảng viên khoa CNTT đến giảng dạy trực tiếp tại trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên để phát triển phong trào trong học sinh và tạo nguồn để bồi dưỡng những học sinh giỏi trong lĩnh vực này. Nhiều sinh viên tham gia vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC đa số là những sinh viên trưởng thành từ các kỳ thi tin học quốc gia, quốc tế như Olympic Tin học quốc tế (IOI), Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương (APIO). Sinh viên Phạm Văn Hạnh hoặc cựu sinh viên Phan Đức Nhật Minh… đều là những sinh viên đạt huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế. Nhìn chung, sinh viên Trường ĐHCN đang ngày càng có cơ hội tiếp cận gần hơn với các kỳ thi quốc tế và tạo dựng được nhiều kỹ năng, kiến thức mới.
Trường ĐHCN tổ chức tập huấn và thi chọn đội tuyển cho các kỳ thi Olympic tin học quốc gia, quốc tế
Vươn xa quốc tế trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực CNTT
Vượt qua khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhiều sinh viên đã tham gia thực tập, làm việc tại các tập đoàn lớn như Facebook, Google,…Một số sinh viên đã khởi nghiệp thành công ở Nhật Bản, Singapore. Ngoài ra, nhiều sinh viên của trường đã nhận được học bổng và trở thành một trong những thành viên tham gia các cuộc thi tin học quốc tế. Tại chung kết ACM/ICPC năm 2018, đội tuyển DomiNUS từ Đại học Quốc gia Singapore có 03 sinh viên Việt Nam gồm Phan Đức Nhật Minh, Vũ Đình Quang Đạt, Lê Xuân Mạnh đều là cựu sinh viên của trường ĐHCN và đã từng tham gia vòng chung kết toàn cầu ACM/ICPC hoặc các kỳ thi tin học quốc tế khác. Điều đó cho thấy sản phẩmđào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam đã và đang có thể cạnh tranh với nước ngoài.
Sinh viên tham gia chương trình trao đổi với Đại học Chiba, Nhật Bản
Với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động ở thị trường Việt Nam, năm 2017, Trường ĐHCN xây dựng đề án và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên chương trình đào tạo ngành CNTT định hướng thị trường Nhật Bản. Ngoài những kiến thức nền tảng chung cho ngành CNTT, sinh viên được cung cấp các kiến thức và kỹ năng nâng cao phù hợp với thị trường CNTT Nhật Bản tương thích với chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản (ITSS). Cụ thể các chuyên gia đến từ doanh nghiệp Nhật Bản sẽ trực tiếp đào tạo tiếng Nhật, giảng dạy kỹ năng làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản cho sinh viên hoặc trải nghiệm môi trường tại các doanh nghiệp Nhật Bản bởi các chương trình trao đổi, giao lưu, học bổng với Tập đoàn Toshiba, Đại học Chiba, Công ty Nissan Automotive Technology… Sinh viên có thể thi chứng chỉ đạt chuẩn cơ bản kỹ sư CNTT của Nhật Bản theo bộ tiêu chuẩn ITSS để làm việc tại các doanh nghiệp Nhật bản.
Có thể nói, qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHCN đã khẳng định vị thế và thương hiệu đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ Thông tin trong nước và trên thế giới.
Tuyết Nga (UET-News)