Nâng cao hiệu quả và hoạt động của các đơn vị cấp bộ môn

      Nhiều giải pháp tích cực hướng đến mô hình hoạt động và phát triển đội ngũ quản lý cấp bộ môn, được đề xuất tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả và hoạt động của các đơn vị cấp bộ môn”, do Trường Đại học Công nghệ tổ chức vào ngày 23/03. Hội thảo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của Trường nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung.

     Tham dự hội thảo, về phía ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Hiệu – Trưởng ban Tổ chức cán bộ; Ông Đoàn Văn Cường – Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ; PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy – Phó Trưởng ban Đào tạo; Ông Vũ Tuấn Anh – Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ. Về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng, PGS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các khoa và chủ nhiệm bộ môn.

Thực trạng công tác quản lý cấp bộ môn

     “Bộ môn là nòng cốt, là hạt nhân của khoa”, điều này đã được PGS.TS. Nguyễn Hiệu khẳng định tại hội thảo. PGS còn nhấn mạnh, với đặc thù và vai trò quan trọng như vậy nên bộ môn là nơi trực tiếp tổ chức những hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Đây chính là những nhân tố cơ bản quyết định chất lượng đào tạo của một đơn vị. Chính vì thế, công tác xây dựng cấp bộ môn vững mạnh về chuyên môn, có chiều sâu học thuật là một nhiệm vụ cấp thiết của tất cả các trường đại học trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay cấp bộ môn trong quá trình triển khai hoạt động còn nhiều vướng mắc như tham gia nhiều công tác hành chính, chưa phát huy hết hiệu quả liên quan đến sản phẩm khoa học và đào tạo… Đặc biệt, công tác kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động cấp bộ môn chưa có tiêu chí cụ thể. Ngoài ra, cấp bộ môn ngày nay đang thực hiện cấp quản lý hành chính theo Quy định Quản lý Nhà nước, vì vậy những chủ nhiệm bộ môn có kinh nghiệm dẫn dắt bộ môn lại bị ràng buộc với tuổi quản lý nhà nước.

      Đồng ý kiến với PGS.TS. Nguyễn Hiệu, PGS. TS. Phan Xuân Hiếu – Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin (CNTT) đã nói đến thực trạng nghiên cứu khoa học trong các bộ môn của khoa CNTT.Hiện tại, khoa đang gặp một số khó khăn trong công tác quản lý cấp bộ môn, cụ thể ở một số bộ môn có những cán bộ nhiều kinh nghiệm đã quá tuổi quản lý, còn cán bộ trẻ chưa đủ kinh nghiệm dẫn dắt bộ môn;ở các bộ môn có nhiều nhóm nghiên cứu định hướng khác nhau, chủ nhiệm bộ môn chưa hoặc không lãnh đạo toàn diện về các hướng nghiên cứu của bộ môn; nghiên cứu giữa các bộ môn chưa đồng đều.

       Những chia sẻ về khó khăn của TS. Lê Thị Hiên – Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ sinh học khi một cán bộ trẻ làm chủ nhiệm bộ môn, thời gian đầu khi được giao nhiệm vụ chủ nhiệm bộ môn tôi cũng vấp phải những khó khăn về kinh nghiệm quản lý và công tác liên hệ hợp tác nghiên cứu do còn trẻ chưa có nhiều uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu. Tuy nhiên, TS cũng có những thuận lợi trong công tác đào tạo của khoa và bộ môn. TS. Lê Thị Hiên đã từng bước sát sao, đảm bảo chất lượng chuyên ngành bằng cách quan tâm đến từng phản hồi sinh viên, dự các giờ giảng của cán bộ…, đối với khóa luận tốt nghiệp hoặc luận văn thạc sĩ bộ môn cho sinh viên bảo vệ mẫu trước khi bảo vệ chính thức trước hội đồng.

Đề xuất giải pháp quản lý cấp bộ môn

PGS.TS. Nguyễn Hiệu chia sẻ những định hướng của ĐHQGHN tại hội thảo

     Chia sẻ những định hướng của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) về hướng phát triển trong quản lý cấp bộ môn, PGS. TS. Nguyễn Hiệu cho biết ĐHQGHN chỉ đạo nâng cao chất lượng cấp bộ môn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; quản trị cấp bộ môn với cấp khoa có sự mạch lạc, tự chủ cao về chuyên môn, chuyên ngành; giảm tải các công tác quản lý hành chính, tăng thời gian nghiên cứu và tạo môi trường học thuật; quy định, tiêu chuẩn đối với chủ nhiệm bộ môn (trình độ chuyên môn, uy tín…);đưa ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ môn.

      Bên cạnh đó, PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy cho biết năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQGHN là đào tạo nghiên cứu sinh, tiến sĩ. Nghiên cứu sinh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở mỗi bộ môn. Nghiên cứu sinh bộ môn có mối liên hệ mật thiết và các chủ nhiệm bộ môn có trách nhiệm nhất định đối với công tác thu hút nghiên cứu sinh. PGS chia sẻ ĐHQGHN sẽ thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nghiên cứu sinh, tiến sĩ thông qua hoạt động hỗ trợ toàn diện, kịp thời. Đầu tiên là hỗ trợ về học bổng với từng đối tượng nghiên cứu sinh (toàn phần, bán phần…), thứ hai là hỗ trợ về nhà ở, ký túc xá đối với nghiên cứu sinh quốc tế.

       Trong hội thảo, những tiêu chuẩn của lãnh đạo bộ môn và định hướng phát triển bộ môn cũng được nhiều cán bộ, giảng viên của trường quan tâm với các đề xuất, giải pháp tích cực. PGS.TS. Trịnh Anh Vũ – Khoa Điện tử viễn thông cho rằng chủ nhiệm bộ môn phải là cán bộ có kinh nghiệm, có khả năng che phủ nhiều lĩnh vực nghiên cứu, có uy tín với các đơn vị ngoài ĐHQGHN và kết nối được các hướng nghiên cứu với nhau. Đây cũng là đòi hỏi không dễ khiđội ngũ cán bộ khoa chủ yếu là cán bộ trẻ. Mô hình công nhận/thuê cán bộ quản lý cấp bộ môn theo dự thảo cũng không dễ thực hiện, nên tốt nhất vẫn tự nội lực xây dựng nhưng cần có chính sách bồi dưỡng đối với những cán bộ tiềm năng hoặc đội ngũ kế cận cho vị trí chủ nhiệm bộ môn.

      “Chúng ta cần thay đổi tư duy trong quản lý cấp bộ môn thay vì cách quản lý hành chính hóa cấp bộ môn như hiện nay, chúng ta cần quản trị theo mục tiêu và hiệu quả hoạt động sẽ được đánh giá theo đúng chỉ tiêu mảng công việc cán bộ tham gia. Trên cơ sở đó, các tiêu chí đánh giá sẽ rõ ràng và công tác thi đua khen thưởng ở cấp bộ môn sẽ được áp dụng” – PGS.TS. Trần Xuân Tú, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác phát triển đề xuất.

Tuyết Nga (UET-News)

Hiện nay, Trường Đại học Công nghệ có 190 cán bộ khoa học cơ hữu, trong đó 154 giảng viên và 36 nghiên cứu viên. Nhà trường có 04 khoa đào tạo, 02 viện, 02 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Đại học Quốc gia và 02 trung tâm nghiên cứu. Toàn trường có 17 bộ môn và 06 phòng thí nghiệm tương đương bộ môn. Tổng số cán bộ quản lý cấp bộ môn và phòng thí nghiệm là 23 cán bộ.

Bài viết liên quan