15 năm khó quên trong cuộc đời

    Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Trường ĐHCN (18/10/1999 – 18/10/2019), Bản tin UET trân trọng giới thiệu bài viết GS. VS. NGND. Nguyễn Văn Hiệu – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Công nghệ, Hiệu trưởng sáng lập của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) được đăng trong “Kỷ yếu Trường ĐHCN: 15 năm xây dựng và trưởng thành”. 

    ĐHQGHN nối duyên GS Nguyễn Văn Hiệu với Trường ĐHCN

    Tôi đến với Trường ĐHCN hoàn toàn là một cơ duyên khi tôi rất mong muốn được đóng góp vào việc phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thành một “tập đoàn” đại học đa lĩnh vực, nhanh chóng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và có danh tiếng trên thế giới theo kỳ vọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đúng 15 năm trước đây, tôi chuyển từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Khoa học Việt Nam) về làm việc tại ĐHQGHN. Lúc đó ĐHQGHN mới có 4 trường là trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHKHXH&NV), Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) – tách năm 2000. Lúc đó chưa thể gọi là một tập đoàn đại học đa lĩnh vực được, thế thì nhiệm vụ cấp bách nhất của ĐHQGHN lúc đó là phải thành lập một trường đại học để giảng dạy và nghiên cứu về các lĩnh vực công nghệ. Chính là theo ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. GS. VS. Nguyễn Văn Đạo đã mời tôi chuyển hẳn về ĐHQGHN để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này mà việc khởi đầu là thành lập Khoa Công nghệ trực thuộc ĐHQGHN.

     Thời điểm đó, để thành lập Khoa Công nghệ có hai bài toán lớn nhất cần giải quyết gồm cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học được tập hợp từ trường ĐH KHTN về Khoa Công nghệ còn rất nhỏ bé và ít người có trình độ khoa học cao. Rất may bài toán thứ nhất tôi không phải giải gì cả vì các đồng chí Lãnh đạo ĐHQGHN lúc bấy giờ là GS. Nguyễn Văn Đạo, GS. Đào Trọng Thi đã hết sức quan tâm và ủng hộ. Có thể nói rất may mắn khi một trong hai bài toán vất vả nhất đã được chính ĐHQGHN giải quyết. Bài toán thứ hai không ai có thể làm thay Khoa Công nghệ, nên khoa phải tự làm, tự đào tạo đội ngũ giảng viên mới. Lúc đó, tôi nhanh chóng thiết lập quan hệ hợp tác với một số nước châu Âu và một số trường đại học ở bên Mỹ và thực hiện ba giải pháp. Giải pháp thứ nhất là tuyển chọn những cán bộ xuất sắc nhất của Khoa, lúc đó mới có bằng cử nhân để cử đi đào tạo ở những nước tiên tiến. Giải pháp thứ hai là Khoa có chính sách ưu đãi để thu hút những cán bộ khoa học trẻ của Việt Nam đi làm luận án tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ ở những nước tiên tiến, để thu hút họ về làm việc trong Khoa. Giải pháp thứ ba là mời một số giáo sư Việt kiều về làm việc, có thể không phải toàn bộ thời gian nhưng trong một năm có thể giảng dạy được mấy tháng ở Khoa. Vì vậy, tôi rất vui mừng khi đội ngũ cán bộ chủ chốt nhà trường hiện nay từ Lãnh đạo trường, Khoa cho đến các trưởng phòng đều thuộc số cán bộ trẻ được đào tạo từ thời đó.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Công nghệ, Hiệu trưởng sáng lập của Trường Đại học Công nghệ

     Những điều trăn trở vấn đề là những đơn vị tách ra từ Trường ĐHKHTN để về Khoa Công nghệ, khi chuyển về chỉ mang theo các thói quen. Mà các thói quen của các nhóm rất khác nhau, cũng phải nói thế này là thời kỳ đó tất cả các trường đại học là việc quản lý tài chính lỏng lẻo. Việc đầu tiên tôi phải làm là xây dựng cho được khối đoàn kết, nhất trí. Tất cả các giảng viên, công nhân viên ở trong Khoa. Thứ hai phải thiết lập cơ chế quản lý rõ ràng, minh bạch, công khai, dân chủ và nghiêm khắc. Rất may chủ trương của tôi thực hiện hai hoạt động đó là xây dựng khối đoàn kết trong toàn Khoa và thiết lập cơ chế quản lý và tuân thủ các quy định của nhà nước đã được các đồng chí đảng viên trong Khoa, các nhà khoa học chủ chốt và đông đảo anh chị em hết sức ủng hộ cho nên việc đó thành công.

    Trường ĐHCN khác biệt so với những trường trong nước

    Bản thân tên trường đã nói lên được nhiệm vụ là phải giảng dạy và đào tạo một số lĩnh vực công nghệ mà trước đây lĩnh vực này ĐHQGHN chưa có. Cho nên tên trường ở chừng mực nào đó phản ánh được định hướng của lãnh đạo ĐHQGHN nhưng “Công nghệ” vẫn còn rộng quá. Sau khi bắt tay xây dựng Khoa và căn cứ vào tình hình cụ thể thì chúng tôi cùng các đồng chí trong Đảng úy, các anh trong ban chủ nhiệm khoa và các nhà khoa học chủ chốt đã định ra được chiến lược xây dựng Trường ĐHCN, khác hẳn các trường công nghệ khác trong nước, kể cả các trường đàn anh rất nổi tiếng trong nước như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Con đường mà chúng tôi lựa chọn là tập trung hết sức vào những lĩnh vực công nghệ cao phát triển trên cơ sở những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên, nó có rất nhiều những công nghệ truyền thống dệt may, công nghệ hóa chất, công nghệ cơ khí… tất cả cái đó phát triển, nhưng mình không đi vào cái đó. Mình chọn những lĩnh vực đòi hỏi có trình độ khoa học kỹ thuật cao nhất mà ngay cả những trường đàn anh cũng không theo kịp mình. Chúng tôi chọn 4 hướng gồm khoa học máy tính và công nghệ thông tin, điện tử và truyền thông tin, vật lý kỹ thuật và công nghệ nano, cơ học kỹ thuật và tự động hóa. Đấy là một điểm khác biệt của trường.

    Điểm thứ hai cho đến nay vẫn nổi bật nhất trong cả nước là sự liên kết giữa trường với các viện nghiên cứu, giữa các khoa của Trường ĐHCN cũng như là trước đây là các bộ môn  của khoa. Khoa Công nghệ liên hệ rất mật thiết với các Viện Khoa học Việt Nam và mời các nhà khoa học giỏi của viện làm giảng viên kiêm nhiệm và gửi sinh viên, học viên cao học đến làm thí nghiệm trong các phòng thí nghiệm rất hiện đại của viện. Cho đến nay trong nước chưa có trường đại học nào có mối quan hệ với các viện nghiên cứu như là Trường ĐHCN của chúng ta.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà cùng đoàn cán bộ Nhà trường đến thăm GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Nhà trường (25/05/2004 -25/05/2019)

    Điểm khác biệt thứ ba là mối liên hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp mà có thể nói sự nổi bật nhất là sự hợp tác của trường với Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (IMI) – một doanh nghiệp Khoa học công nghệ hoạt động theo hình thức cổ phần. Trên cơ sở giữa hợp tác với trường – viện – doanh nghiệp thì trường bây giờ trở thành trọng tâm thực hiện mối liên kết trường đại học – viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng cho đến ngày hôm nay ở nước ta Trường ĐHCN vẫn là trường đi đầu trong lĩnh vực này.

    Cuối cùng điểm khác biệt so với các trường ĐH trong nước là chất lượng đào tạo, Nhà trường chủ trương “quý hồ tinh bất quý hồ đa” nghĩa là ít sinh viên nhưng đào tạo với chất lượng thật cao, không tuyển hằng năm với quá nhiều sinh viên với số lượng cán bộ như vậy thì chỉ tuyển sinh viên mức ở vừa phải. Nhưng việc tuyển sinh ít ảnh hưởng thu nhập của cán bộ. Cho nên có mâu thuẫn muốn nâng cao chất lượng tuyển sinh ít thì có ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, giải quyết bằng cách nào? Như vậy, các đồng chí lãnh đạo trường có cách giải quyết rất tốt là đi tiên phong trong việc xây dựng trường đại học nghiên cứu, khuyến khích các cán bộ khoa học đăng ký các đề tài nghiên cứu. các cấp và có nguồn thu nhập thêm từ các đề tài. Như vậy mình không thu nhập ở chuyện đi dạy tràn lan thì mình có thu nhập cao nhờ tham gia các đề tài. Chính vì thế cho niên hiện nay trường vẫn là trường đại học có đăng ký đề tài các cấp so với tỉ lệ số cán bộ là cao nhất. Tôi nghĩ đó là điểm khác biệt hẳn giữa trường với các trường khác.

     Đội ngũ lãnh đạo kế cận sẽ đưa trường trở thành một trường tiên tiến trong khu vực

    Cũng phải nói tôi về ĐHQGHN cách đây đúng 15 năm, 5 năm làm Chủ nhiệm khoa Khoa Công nghệ để xây dựng Trường ĐHCN trong tương lai. Sau đó, cách đây 10 năm lập đề án xây dựng trường và khi đề án được thông qua có vấn đề là bây giờ cử ai làm hiệu trưởng. Quả thực lãnh đạo một trường đại học như thế lần đầu tiên cũng khó khăn, cho nên Lãnh đạo ĐHQGHN vẫn tha thiết yêu cầu tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng nhưng năm đó tôi 66 tuổi rồi, theo quy định nhà nước trên 55 tuổi không được cử làm Hiệu trưởng lần đầu. Mà bây giờ GS.Đào Trọng Thi muốn cử tôi làm Hiệu trưởng lần đầu trong lúc tôi 66 tuổi.

    Thế là phải xin phép Thủ tướng và lúc đó Thủ tướng Phan Văn Khải rất hiểu khó khăn việc xây dựng một trường đại học mới và khác hẳn các trường đại học khác. Cho nên Thủ tướng quyết định đồng ý cho tôi làm Hiệu trưởng một nhiệm kỳ 5 năm. Thế nhưng tôi chỉ làm 6 tháng và tôi thấy đội ngũ kế cận vào các anh em trong BGH thừa sức làm được. Tất cả những gì tôi đề xuất các đồng chí đều hiểu và sẽ thực hiện. Cho nên sau 6 tháng tôi viết đơn xin từ chức với sự đảm bảo là những người kế cận tôi hoàn toàn làm được việc, không kém tôi và tôi nghĩ có thể làm hơn thế cơ. Như vậy là Giám đốc Đào Trọng Thi cho phép tôi được từ chức và đồng chí Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức lên làm Hiệu trưởng. Cho đến nay sau 10 năm Trường ĐHCN đã có ba đời hiệu trưởng. Phải nói như thế này, các đồng chí Hiệu trưởng kế nhiệm tôi lãnh đạo rất xuất sắc, có thể có những thiếu sót nhỏ, nhân vô thập toàn nhưng về cơ bản mà nói các đồng chí lãnh đạo rất giỏi. Và dưới sự dẫn dắt, lãnh đạo của hai Hiệu trưởng đồng chí Nguyễn Hữu Đức và đồng chí Nguyễn Ngọc Bình thì trong 9 năm qua đến bây giờ trường vẫn đang tiến bước trên lộ trình xây dựng Trường ĐHCN thành một trường tiên tiến trong khu vực và có danh tiếng trên thế giới theo đúng kì vọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Theo T.Bình (thực hiện) – Kỷ yếu 15 năm xây dựng và trưởng thành, tháng 10-2014

Bài viết liên quan